THẤT GIÁC CHI HAY BẢY YẾU TỐ GIÁC NGỘ - Gosinga

THẤT GIÁC CHI HAY BẢY YẾU TỐ GIÁC NGỘ

 

Bảy yếu tố đưa đến Giác Ngộ và Giải Thoát được phát sinh và đi đến viên mãn trong khi tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế. Đó là Niệm giác chi, Trạch Pháp giác chi, Tinh Tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh An giác chi, Định giác chi, Xả giác chi.


1 – NIỆM GIÁC CHI:
Là yếu tố đầu tiên cần phải khởi lên và tu tập viên mãn mới đưa đến giác ngộ và đó chính là CHÁNH NIỆM trên lộ trình tâm Bát Chánh đạo siêu thế. Chánh Niệm là yếu tố đầu tiên cần phải tu tập cho viên mãn vì khi Chánh Niệm khởi lên thì toàn bộ Bát Chánh Đạo sẽ tự động khởi lên theo định luật Duyên Khởi. Chính vì điều này mà Đức Phật luôn nhắc nhở trong các bản kinh: “Ngồi kiết già lưng thẳng an trú Chánh Niệm trước mặt”, và các bản kinh hướng dẫn thực hành là NIỆM, như Kinh Niệm Xứ, Kinh Niệm hơi thở vô, hơi thở ra, Kinh Thân hành Niệm. Chánh Niệm cần phải thực hành có bốn: Niệm Thân là nhớ đến chú tâm quán sát các cảm giác nơi thân. Niệm Thọ là nhớ đến chú tâm quán sát thọ nơi thọ. Niệm Tâm là nhớ đến chú tâm quán sát tâm nơi tâm. Niệm Pháp là nhớ đến chú tâm quán sát pháp nơi pháp. Tu tập Chánh Niệm là tạo lập, rèn luyện một thói quen mới mẻ để thay thế, xoá bỏ, đoạn diệt một thói quen cũ đã ăn sâu từ vô thuỷ, đó là thói quen Tà Niệm. Chánh Niệm được tu tập được làm cho viên mãn tức NIỆM GIÁC CHI được tu tập được làm cho viên mãn khiến cho Bát Chánh Đạo siêu thế được tu tập, được làm cho viên mãn, khiến cho Tâm Giải Thoát, Tuệ Giải Thoát phát sinh và đi đến viên mãn.

2 – TRẠCH PHÁP GIÁC CHI:
Khi Niệm giác chi khởi lên và được tu tập đi đến viên mãn thì toàn bộ các chi phần của Bát Chánh Đạo, trong đó có CHÁNH TRI KIẾN cũng được tu tập và đi đến viên mãn. Trí tuệ hay hiểu biết đúng như thật về Duyên Khởi, về Vô Thường, Vô Ngã, về Khổ Tập Diệt Đạo được trực tiếp kinh nghiệm, được trực tiếp sống, được trực tiếp bổ sung và hoàn thiện trong những tình huống khác nhau sống động của cuộc sống. Trí tuệ hay hiểu biết như thật về Tứ Thánh Đế không phải do Nghe và Tư Duy mà do tu tập Bát Chánh Đạo siêu thế được TRỰC TIẾP kiểm nghiệm, bổ sung, hoàn thiện sẽ đưa đến giác ngộ Tứ Thánh Đế gọi là TRẠCH PHÁP GIÁC CHI. Như vậy Niệm giác chi được tu tập đi đến viên mãn khiến cho Trạch pháp giác chi được tu tập và đi đến viên mãn.

3 – TINH TẤN GIÁC CHI:
Khi Trạch pháp giác chi được tu tập đi đến viên mãn thì hiểu biết về Khổ, Nguyên nhân Khổ, Chấm dứt Khổ và Con đường chấm dứt Khổ ngày càng rõ ràng minh bạch. Kinh nghiệm được Chấm dứt Khổ càng sâu sắc thì hiểu biết Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất Chấm dứt Khổ, không còn một con đường thứ hai nào nữa trở nên sâu sắc. Do thấy như vậy, biết như vậy mà Tinh Tấn không thụ động khởi lên. Tinh Tấn này đưa đến tu tập Bát Chánh Đạo, còn khi Bát Chánh Đạo siêu thế khởi lên thì Tinh Tấn chú tâm quán sát các đối tượng. Tinh Tấn này chính là Tứ Chánh Cần, là Tinh Tấn Như Ý Túc và nó cũng là một yếu tố trong bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, gọi là TINH TẤN GIÁC CHI.

4 – HỶ GIÁC CHI:
Khi Tinh tấn giác chi đã sinh khởi và đi đến viên mãn thì Hoan hỷ trong sự tu tập Bát Chánh Đạo sẽ phát sinh. Sự hoan hỷ này sẽ gia tăng thời gian và mức độ tu tập, làm cho sự tu tập đi đến viên mãn, đi đến Giác ngộ và Giải thoát. Sự hoan hỷ này cũng là một yếu tố đưa đến giác ngộ, gọi là HỶ GIÁC CHI.

5 – KHINH AN GIÁC CHI:
Khi Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi khởi lên và đi đến viên mãn, hành giả an trú Bát Chánh Đạo siêu thế, an trú Khổ Diệt, một trạng thái vắng lặng Tham Sân Si, vắng lặng Khổ, vắng lặng cả Hạnh phúc lẫn Khổ đau. Do vắng lặng cả Hạnh phúc lẫn Khổ đau nên những Nội Xúc xảy ra nơi các cơ quan nội tạng làm phát sinh Cảm giác dễ chịu, lâng lâng hạnh phúc, Cảm giác khó chịu, nặng nề của khổ đau không còn nữa, vì vậy mà Thân được khinh an, Tâm cũng khinh an. Thân khinh an, Tâm khinh an này sẽ thúc đẩy, gia tăng sự tu tập Bát Chánh Đạo đi đến viên mãn nên đây là một trong bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, gọi là KHINH AN GIÁC CHI.

6- ĐỊNH GIÁC CHI:
Khi an trú Bát Chánh Đạo, Thân Tâm được khinh an, Tâm sẽ định tĩnh vì luôn luôn ở trong Định trong mọi tư thế, mọi lúc, mọi nơi hoặc với Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền hay Tứ thiền. Chánh Định này là một chi phần của Bát Chánh Đạo siêu thế, nếu tâm không có Chánh Định thì tâm ấy nhất quyết không phải là Bát Chánh Đạo vì vậy Chánh Định được xem là một trong bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, gọi là ĐỊNH GIÁC CHI.

7- XẢ GIÁC CHI:
Khi an trú Bát Chánh Đạo với sự có mặt của Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi và Định giác chi thì sẽ phát sinh một thái độ bình thản, không nắm giữ, không xua đuổi, không yêu thích, không chán ghét, độc lập, không ràng buộc, giải thoát không hệ luỵ với mọi đối tượng. Đây chính là XẢ GIÁC CHI, yếu tố đưa đến giác ngộ thứ bảy.

KẾT LUẬN:
Thất giác chi là bảy yếu tố đưa đến Giác Ngộ, là một cách thuyết minh về Bát Chánh Đạo siêu thế, con đường độc nhất đưa đến đoạn tận khổ đau. Trong Thất giác chi có bốn giác chi là các chi phần của Bát Chánh Đạo siêu thế gồm:NIỆM giác chi, TINH TẤN giác chi, ĐỊNH giác chi, TUỆ giác chi (Trạch pháp giác chi), còn HỶ giác chi, KHINH AN giác chi, XẢ giác chi là các yếu tố phát sinh khi lộ trình tâm là Bát Chánh Đạo, là kết quả của Bát Chánh Đạo mà người tu chứng ngộ và an trú. Sở dĩ ở đây chỉ nói bốn chi phần mà không nói cả tám chi phần Bát Chánh Đạo vì khi nói đến yếu tố
TRẠCH PHÁP GIÁC CHI tức nói đến Chánh Tri Kiến thì đã ngầm nói đến Chánh Tư Duy vì Chánh Tri Kiến phải do Chánh Tư Duy mà khởi lên, và Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng lại do Chánh Tri Kiến mà khởi lên. Thất giác chi là cách nói về Bát Chánh Đạo theo cách TƯƠNG TÁC ĐA CHIỀU của các yếu tố với mức độ Thô hoặc Tế khác nhau mà thôi.

-Thiền Sư Nguyên Tuệ-

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *