fbpx

TÂM VÔ PHÂN BIỆT VÀ TÂM PHÂN BIỆT

 

TÂM VÔ PHÂN BIỆT VÀ TÂM PHÂN BIỆT
Tâm là một Phạm Trù bao gồm rất nhiều Danh Pháp đang sinh diệt theo một lộ trình. Có hai lộ trình tâm: Lộ trình tâm Bát Tà Đạo thuộc về Phàm phu và Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo thuộc về bậc Thánh. Tâm lại có thể chia thành bốn nhóm, mà thuật ngữ Phật học tiếng Tàu gọi là Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn, trong đó Tưởng uẩn và Thức uẩn là các Tâm Biết mà thuật ngữ Phật học gọi là THỨC bao gồm: Nhãn thức, Nhỉ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức và Ý thức. Trong các loại tâm biết thuộc về Tưởng uẩn và Thức uẩn này lại được chia làm hai loại : Tâm vô phân biệt và Tâm phân biệt. 
a – TÂM VÔ PHÂN BIỆT là các Tâm Biết trực tiếp : Nhãn thức, Nhỉ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức do Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần phát sinh ra, có phận sự GHI NHẬN hay NHẬN BIẾT đối tượng. Đối tượng như thế nào thì NHẬN BIẾT như thế ấy, không thêm bớt, Khoa Tâm Lý học gọi là Nhận Thức Cảm Tính đối tượng, thuật ngữ Phật học gọi là Tưởng Tri đối tượng. Đây là Tâm biết Trực Tiếp Giác Quan mà Hán dịch qua bộ A Hàm gọi là Trực Giác, là Tâm Biết không tri thức khái niệm, không ngôn ngữ chế định, không phân biệt đối tượng này với đối tượng kia. Tâm Biết này có tánh chất Vô Niệm, Vô Ngôn, Vô Phân Biệt, vì vậy gọi là Tâm Vô Phân Biệt mà Thánh hay Phàm đều như nhau. Tâm vô phân biệt này do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh nên nó Vô thường, Vô chủ, vô sở hữu ( Vô ngã ) sinh ra đời là có, không cần phải học hỏi. Tâm vô phân biệt của Phàm phu trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo được gọi là Tưởng tri , Tâm vô phân biệt của bậc Thánh trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo gọi là Tỉnh Giác.
b – TÂM PHÂN BIỆT là tâm biết Ý Thức do Niệm và Tư Duy mà phát sinh. Tâm biết Ý thức, biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao nên Khoa Tâm Lý Học gọi là Nhận Thức Lý Tính đối tượng. Đây không phải Biết trực tiếp đối tượng, mà Biết đối tượng qua Tư duy suy luận, dựa vào tri thức kinh nghiệm đã học hỏi, tích luỹ trong quá khứ. Vì vậy, Ý Thức là tâm biết có Khái Niệm, có Ngôn Ngữ chế định, có Phân Biệt đối tượng này với đối tượng kia nên gọi là tâm phân biệt. Tâm phân biệt phải do học hỏi mới có nên trẻ con vừa đẻ ra chưa có tâm phân biệt này. Thánh và Phàm đều có tâm phân biệt nhưng tâm phân biệt của Thánh và Phàm khác nhau.
– TÂM PHÂN BIỆT CỦA PHÀM, là Ý thức Tà Tri Kiến trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo do Tà Niệm – Tà Tư Duy mà khởi lên, là hiểu biết sai lạc, hiểu biết không đúng sự thật đối tượng, BIẾT các đối tượng thực tại là Thế giới, nên được gọi là VÔ MINH, mang nội dung Thường Kiến và Ngã Kiến. Chính VÔ MINH này là Nhân phát sinh Tham Sân Si, phát sinh Sầu Bi Khổ Ưu Não.
– TÂM PHÂN BIỆT CỦA THÁNH, là Ý thức Chánh Tri Kiến trên lộ trình tâm Bát Chánh Đạo do Chánh Niệm – Chánh Tư Duy mà khởi lên, gọi là MINH, là TRÍ TUỆ, là hiểu biết đúng như thật đối tượng, BIẾT các đối tượng thực tại là Cảm Thọ, nó Vô thường, Vô chủ, vô sở hữu ( Vô ngã ), có Vị ngọt, sự Nguy hiểm, sự Xuất ly. Chính MINH này làm đoạn tận VÔ MINH, đoạn tận Tham Sân Si, đoạn tận KHỔ. Đức Phật và các bậc Thánh nhờ Tâm Phân Biệt này mới Giác Ngộ Sự Thật, Giác Ngộ Chân Lý.
Đời sống của Phàm hay Thánh đều sống với hai loại Tâm vô phân biệt và Tâm phân biệt mà nói theo ngôn ngữ Triết học và Tâm lý học là Nhận thức cảm tính và Nhận thức lý tính đối tượng. Tâm vô phân biệt chỉ thấy, nghe, cảm nhận đối tượng ( chỉ ghi nhận đối tượng ) còn Tâm phân biệt mới biết đối tượng được thấy, nghe, cảm nhận đó là cái gì, tính chất ra sao ( đẹp hay xấu, ngon hay dở, cứng hay mền, nóng hay lạnh, ăn được hay không ăn được … ). Khác nhau là, Tâm phân biệt của Phàm phu là hiểu biết sai lạc, là vô minh tà kiến nên sẽ phát sinh thích ghét đối tượng nên ràng buộc và phiền não vì đối tượng, còn Tâm phân biệt của bậc Thánh là hiểu biết đúng sự thật, là trí tuệ là minh, nên không còn phát sinh thích ghét đối tượng, không còn ràng buộc, không còn phiền não với đối tượng. Nhiều trường phái Phật giáo cho rằng bậc Thánh chỉ sống với Tâm vô phân biệt, không còn Tâm phân biệt là do hiểu biết sai lạc, vô minh tà kiến về tâm. Trong các bộ kinh Nikaya đã phê phán tư tưởng này và dẫn chứng bằng sự thật là, nếu giác ngộ bởi Tâm vô phân biệt thì đứa trẻ mới đẻ ra, đang còn nằm ngữa đã giác ngộ rồi, đâu cần phải tu nữa. Vì sao ? Tại vì khi mới đẻ ra, khi sáu Căn của nó tiếp xúc sáu Trần thì sẽ phát sinh tâm biết trực tiếp giác quan thấy, nghe, cảm nhận mọi đối tượng thực tại. Đây là tâm vô phân biệt, nhưng nó không biết đối tượng đó là cái gì, tính chất ra sao. Vì sao ? Vì tâm biết ý thức, tức tâm phân biệt do học hỏi chưa khởi lên được vì nó chưa có quá trình học hỏi như người lớn.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *