TÂM LÀ GÌ ?  - Bát Chánh đạo - Gosinga

TÂM LÀ GÌ ?  – Bát Chánh đạo

 

TÂM LÀ GÌ ? 
Nhiều người tu học Phật giáo hiểu biết sai lạc, hiểu biết không đúng sự thật về tâm. Đa phần hiểu tâm qua hình ảnh : tâm như con vượn chuyền cành. Nghĩa là, tâm như là một cấu trúc nguyên một khối ( con vượn ) di chuyển từ chổ này đến chổ kia, nắm bắt từ cái này đến cái kia ( chuyền từ cành nọ đến cành kia ). Tâm theo kiểu “nguyên một khối” ấy chứa đựng nhiều thứ, nhiều tính năng, nhiều năng lực. Và tâm ấy là chủ nhân, chủ sở hữu của thân, điều khiển mọi lời nói, mọi hành động của thân, là chủ nhân ông tạo tác các nghiệp thiện ác. Có trường phái Phật Giáo theo chủ nghĩa cơ giới cổ xưa xem tâm như một cỗ máy đang vận hành và hình dung nó như một bộ máy công quyền của một quốc gia gồm : Tâm vương như một ông thủ tướng điều khiển bộ máy và các tâm sở như các ông bộ trưởng chịu sự chi phối điều khiển của Tâm vương. Quan hệ giữa Tâm vương và Tâm sở là quan hệ phụ thuộc, quan hệ chủ nhân, chủ sở hữu. Nhiều trường phái Phật Giáo ví tâm chúng sanh như một con thú hoang ( Ấn độ là voi, Trung hoa là trâu ) chưa được điều phục và tu hành là điều phục con thú hoang đó bằng cách buộc chặt nó vào một cái cọc thật chắc chắn, bỏ đói nó, chế ngự nó, huấn luyện nó với mục đích LÀM CHỦ TÂM.
Vậy tâm là gì ? Theo triết học thì tất cả các sự vật hiện tượng ( Phật học gọi là các pháp ) được chia làm hai phạm trù Tinh thần và Vật chất mà Phật học gọi là Danh và Sắc. Phạm trù Vật chất ( Sắc pháp ) gồm rất nhiều thứ như nhà cửa, xe cộ, người, thú vật, mặt trời mặt trăng vv … độc lập với nhau và đều được gọi bằng một tên chung là Vật chất. Tương tự, phạm trù Tinh thần ( Danh pháp )cũng bao gồm rất nhiều thứ khác nhau, độc lập với nhau và đều được gọi bằng một cái tên chung là Tâm. 
Tâm gồm RẤT NHIỀU THỨ KHÁC NHAU, ĐỘC LẬP VỚI NHAU , được Kinh điển chia thành 4 loại khác nhau, hay 4 nhóm khác nhau mà thuật ngữ Phật học tiếng Tàu gọi là 4 uẩn gồm : Thọ Tưởng Hành Thức ( Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn ). Cụ thể là : 
1 – Nhóm Thọ hay Thọ uẩn : là nhóm ĐỐI TƯỢNG THỰC TẠI gồm những đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận của thực tại, tức 6 loại Cảm thọ ( gọi tắt là Thọ ) mà tiếng Việt gọi là 6 loại Cảm giác. Đó là Thọ do nhãn xúc sinh, Thọ do nhĩ xúc sinh, Thọ do tỷ xúc sinh, Thọ do thiệt xúc sinh, Thọ do thân xúc sinh, Thọ do ý xúc sinh. Nghĩa là Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần phát sinh Sáu Thọ, đó là các Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm, Cảm giác pháp trần. Nhóm Thọ hay Thọ uẩn do Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh nên Thọ là vô thường ( không sẵn có, không luôn luôn có ở đâu cả ), Thọ là vô chủ vô sở hữu ( vô ngã, không làm chủ, không sở hữu, không điều khiển được ). Đây là một loại tâm mà hàng ngày con người thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm nhận nhưng lại HIỂU SAI LÀ THẾ GIỚI VẬT CHẤT sắc thanh hương vị xúc pháp trần. 
2 – Nhóm Tưởng hay Tưởng uẩn : là nhóm TÂM BIẾT, gồm 6 loại tâm biết trực tiếp giác quan gọi tắt là tâm biết trực giác, cụ thể gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức, có phận sự ghi nhận hay nhận biết các đối tượng thực tại. Đó là Nhãn thức thấy Cảm giác hình ảnh; Nhĩ thức nghe Cảm giác âm thanh; Tỷ thức cảm nhận Cảm giác mùi; Thiệt thức cảm nhận Cảm giác vị; Thân thức cảm nhận Cảm giác xúc chạm; Tưởng thức ghi nhận Cảm giác pháp trần. Sáu Tưởng do Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần mà phát sinh, nên Tưởng là vô thường, Tưởng là vô chủ, vô sở hữu ( vô ngã ). Mỗi một Tưởng chỉ ghi nhận một đối tượng thực tại duy nhất mà triết học gọi là Nhận thức cảm tính đối tượng.
3 – Nhóm Hành hay Hành uẩn : là nhóm TÂM HÀNH gồm Niệm ( trí nhớ ), Tư duy, Thái độ ( tham sân si ), Định, Dục, Tinh tấn ( tích cực ), Tác ý, Lời nói, Hành động, Khổ Vui. Các tâm hành này phát sinh do Ý căn tiếp xúc với Pháp trần ( lượng thông tin pháp trần trong bộ nhớ ) thực chất là tương tác thông tin, nhưng khác với tương tác giữa Ý căn và Pháp trần phát sinh Cảm giác pháp trần và Tưởng thức. Các tương tác này đều xẩy ra trong tế bào thần kinh não bộ. Các tâm hành không sẵn có, không luôn luôn có ở một nơi chốn nào cả mà nó chỉ phát sinh khi có Xúc ( tương tác giữa Ý căn và Pháp trần ) nên nó vô thường, vô chủ vô sở hữu ( vô ngã ).
4 – Nhóm Thức hay Thức uẩn : gồm TÂM BIẾT Ý THỨC và TƯ TƯỞNG. Tâm biết Ý thức có phận sự biết Tư tưởng. Quá trình diển ra như sau : tâm hành tư duy thuộc Hành uẩn có phận sự phân tích, so sánh, tổng hợp, phán đoán, kết luận ( có trường hợp có thêm trừu tượng, khái quát hoá )là NHÂN làm phát sinh đồng thời : [Tâm biết Ý thức và Tư tưởng ]. Tâm biết Ý thức có phận sự biết Tư tưởng vừa phát sinh và Tư tưởng đó phản ánh về đối tượng được Tưởng uẩn ghi nhận. Tâm biết Ý thức biết đối tượng được thấy, được nghe, được cảm nhận là cái gì, tính chất ra sao, nhưng là BIẾT do TƯ duy, suy luận trên những thông tin do TƯỞNG uẩn cung cấp nên Ý THỨC biết TƯ TƯỞNG. Thức uẩn cũng do Ý căn tiếp xúc Pháp trần mà phát sinh, tương tự như hành uẩn nên nó vô thường, vô chủ vô sở hữu ( vô ngã ).
Vậy tâm gồm nhiều thứ khác nhau, được chia làm bốn nhóm Thọ Tưởng Hành Thức và trong mỗi một nhóm cũng có vô số các tâm khác nhau. Ví như Thọ do Nhãn xúc sinh cũng có vô số Thọ ( vô số Cảm giác hình ảnh ) khác nhau được Nhãn thức thấy hàng ngày. Mọi thứ tâm ấy đều do Sáu Căn tiếp xúc ( hay tương tác ) với Sáu Trần mà phát sinh nên nó sinh diệt, vô thường, không thường hằng, không thường trú đâu cả. Mọi thứ tâm ấy KHÔNG ĐỒNG THỜI TỒN TẠI mà tại mỗi một thời điểm chỉ tồn tại, chỉ sinh lên và diệt đi rất nhanh chóng một thứ tâm duy nhất trừ [Thọ và Tưởng ] cùng [Ý thức và Tư tưởng ] là đồng sinh đồng diệt, đồng thời tồn tại. Các thứ tâm ấy cũng đều vô chủ vô sở hữu, nghĩa là chúng đều độc lập, không phụ thuộc vào nhau, không có tâm nào là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển tâm nào cả. Vì vậy, tâm không phải như một cỗ máy đang vận hành, không phải như một bộ máy công quyền của một đất nước với tâm vương và các tâm sở. Đối với Phàm phu các thứ tâm ấy được diễn tả trong một lộ trình sinh diệt theo một sơ đồ : 
XÚC – [ Thọ – Tưởng ] – Tà niệm – Tà tư duy – [ Ý thức – Tà kiến ] – Tham sân si – Tà định – Dục – Tà tinh tấn – Phi như lý tác ý – Tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng – Khổ vui.
Trong đó XÚC là Căn và Trần tiếp xúc chỉ cho nhóm Sắc hay Sắc uẩn. Và mô tả đơn giản hơn theo năm uẩn thì sơ đồ đó là :
Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức – Hành. 
Đây là một lộ trình sinh diệt của tâm gồm : Căn Trần tiếp xúc rồi diệt ( Sắc diệt ) làm cho Thọ – Tưởng sinh lên rồi diệt đi; tiếp đến Hành sinh lên rồi diệt đi; tiếp đến Thức sinh lên rồi diệt đi; tiếp đến các Hành còn lại sinh lên rồi diệt đi. Lộ trình kết thúc tại đó nhưng lại tiếp tục một lộ trình Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức – Hành khác lại sinh lên rồi diệt đi, rồi một lộ trình tương tự như vậy lại tiếp diễn nối tiếp tương tục. Sự thật tất cả các pháp gồm Tinh thần và Vật chất ( Danh và Sắc ) không phải là năm yếu tố Sắc Thọ Tưởng Hành Thức đồng thời tồn tại, liên kết, ràng buộc với nhau CẤU THÀNH MỘT CHÚNG SANH, mà là các lộ trình Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức sinh lên rồi diệt đi liên tiếp, tương tục. Như vậy, phải hiểu TỪ CHÚNG SANH là pháp chế định, là quy ước, dùng làm phương tiện truyền thông, ám chỉ cho các lộ trình Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức đang sinh diệt tương tục nhau, mà không hề có Sắc Thọ Tưởng Hành Thức nào thường hằng, cố định, cũng không hề có một Cái Tôi, Cái Ta, Bản ngã, Chúng sanh nào như một thực thể cố định, không sinh không diệt là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển Sắc Thọ Tưởng Hành Thức.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *