fbpx

ĐỨC PHẬT PHỦ NHẬN BẢN NGÃ – LINH HỒN 

ĐỨC PHẬT PHỦ NHẬN BẢN NGÃ – LINH HỒN
1 – Quan niệm của các tôn giáo Duy tâm về Bản Ngã – Linh Hồn :
Nhân sinh quan hay quan niệm về con người được phân chia thành hai quan điểm Duy vật và Duy tâm. Quan điểm Duy vật được đa số các nhà khoa học chấp nhận, quan niệm con người do vật chất cấu thành và tâm thức là sản phẩm của hoạt động thần kinh não bộ. Duy vật quan niệm tâm thức ấy vô thường, không tồn tại một tâm thức thường hằng, không tồn tại một “thế giới tâm linh” siêu hình. Sau khi các tế bào não chết, tâm thức đó diệt, không có cái gì “trao truyền ” từ người chết sang một thân thể ở kiếp sau, không có sinh tử luân hồi. Chết là hết. Trái lại, Duy tâm cho rằng trong thân xác của một con người có một linh hồn bất sanh bất diệt, thường hằng trú ngụ và khi thân xác tan rã thì linh hồn đó sẽ thoát ra và hoặc là đi đầu thai vào một thân mới hoặc hoà nhập vào một thế giới tâm linh siêu hình không sinh không diệt ( Thượng đế hay Đại ngã ) hoặc bị đày đoạ vào địa ngục vĩnh viễn tuỳ theo chủ trương và tên gọi của các tôn giáo khác nhau. Các tôn giáo Duy tâm đều quan niệm có một THẾ GIỚI TÂM LINH TUYỆT ĐỐI không sinh không diệt, thấm nhuần khắp vũ trụ, gọi là Thượng Đế, là Đại Ngã, là Đấng Sáng Tạo … tuỳ theo tên gọi của từng tôn giáo và linh hồn trong mỗi chúng sinh cũng từ đó mà được phân chia ra. Và con người với quan điểm Duy tâm như vậy sẽ quan niệm có một LINH HỒN LÀ CHỦ NHÂN, CHỦ SỞ HỮU, ĐIỀU KHIỂN THÂN TÂM. Quan niệm có một Linh hồn không sinh không diệt là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển mọi hoạt động của thân tâm CHÍNH LÀ QUAN NIỆM VỀ CÁI TA mà tiếng Tàu gọi là NGÃ, tự có, không được sinh ra, không bị diệt đi, bất sanh bất diệt, nên gọi là TỰ NGÃ hay BẢN NGÃ. Quan niệm về một Tự Ngã – Linh Hồn là một vấn đề cơ bản, cốt lõi của các tôn giáo Duy tâm.
Đối với các tôn giáo như Hồi giáo, Do thái giáo, Cơ đốc giáo đặt nền tảng trên Thánh Kinh Cựu ước thì con người do Thiên Chúa ( Thượng Đế Toàn Năng ) sáng tạo ra với thuỷ tổ là Adam và Eve. Thiên Chúa đã thổi sinh khí qua lỗ mũi cái thân người được Chúa nặn ra từ đất sét, nghĩa là thổi Linh hồn ( Chúa ) vào trong thân thể đó và như vậy Linh hồn trong con người chính là phần Thượng Đế, Thiên Chúa có trong mỗi một con người. Truyền thuyết về Con người và Thiên đường trong Thánh Kinh Cựu ước nếu hiểu theo NGHĨA ẨN DỤ thì phần Linh Hồn Chúa thổi vào trong mỗi người là trong sạch, thánh thiện chính là “CÁI BIẾT TRỰC GIÁC VÔ NIỆM, VÔ NGÔN, VÔ PHÂN BIỆT” khi sinh ra là có liền, không do học hỏi, kinh nghiệm mà có. Con người sống ở Thế gian tiếp thu “CÁI BIẾT CÓ TRI THỨC, KHÁI NIỆM, PHÂN BIỆT” do học hỏi, truyền đạt, tích luỹ kinh nghiệm thế gian nên làm cho Linh Hồn bị ô nhiễm, có ác có bất thiện. Khi con người chết đi nếu CÁI BIẾT THẾ GIAN được để lại thế gian thì cái Linh Hồn Chúa, vô nhiễm, thánh thiện mới trở về hoà nhập với Thượng Đế, mới trở về Thiên Đường, mới trở về Nước Chúa. Nếu Linh Hồn không rũ bỏ, không thoát được ô nhiễm thế gian, với ác, với bất thiện thì bị đoạ vào địa ngục chờ đến ngày phán xử cuối cùng. Trong các tôn giáo đó, có khái niệm Chúa Hài Đồng là đứa trẻ vừa sinh ra mà chết ngay thì sẽ được tới Thiên Đường, vì lúc đó Linh hồn của đứa trẻ chính là phần Linh Hồn Chúa vô nhiễm, thánh thiện chưa bị ô nhiễm bởi Cái Biết Thế Gian.
Bà la môn giáo thì quan niệm có một Linh hồn Đại Ngã thuấn nhuần toàn bộ vũ trụ vạn hữu và trong mỗi chúng sinh có Linh hồn Tiểu Ngã là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển thân tâm con người. Chính Linh hồn Tiểu Ngã ấy tạo nghiệp nên phải chịu luân hồi, mang các thân xác khác nhau trong vòng luân hồi và chịu đau khổ. Và khi nào Linh hồn Tiểu Ngã ấy do tu hành mà vĩnh viển thoát ra được khỏi thân xác, hoà nhập vào Linh hồn Đại Ngã thì lúc đó là Niết bàn, là giải thoát, lúc đó thân xác sẽ vô ngã.
Kỳ na giáo là một tôn giáo vô thần, ra đời cùng thời với Phật giáo, tuy không chủ trương có một Linh hồn Đại Ngã, một Thượng Đế Toàn Năng nhưng quan niệm có Linh hồn là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển thân xác, nhưng Linh hồn ấy bị trói buộc trong thân xác bởi Nghiệp đã tạo tác. Linh hồn đó bị ô nhiểm do Nghiệp đã tạo tác nên phải chịu sự luân hồi chịu khổ đau từ thân xác này qua thân xác khác. Kỳ na giáo chủ trương tu hành khổ hạnh để trả hết Nghiệp đã tạo tác, để Linh hồn trở thành “Toàn Tri, Toàn Kiến” thánh thiện, thoát ra khỏi sự giam hãm của thân xác, để hoàn toàn tự do, tự tại. Đó chính là chủ trương Giải thoát của Kỳ na giáo.
Lão giáo quan niệm rằng có một thực thể gọi là Đạo, không hình không tướng, không thể gọi tên, chính là Bản Thể của vũ trụ vạn hữu mà từ đó lưu xuất ra trời đất, sáng tối, vạn vật, sum la vạn tượng. Cái gọi là Đạo, là Bản Thể ấy trùm khắp, thấm nhuần trong từng hạt bụi thực chất là quan niệm Linh hồn Đại Ngã, Thượng Đế Toàn Năng của các tôn giáo Duy tâm, chỉ khác ngôn từ, tên gọi. Lão Giáo chủ trương tu hành để đạt đến “Hoà quang đồng trần” ( hoà cùng ánh sáng, đồng cùng bụi bặm ) tức Hoà nhập với Đạo, Hoà nhập với Bản thể, là bản chất, nền tảng của thế giới hiện tượng. Vậy cái gì sẽ hoà cùng ánh sáng, đồng cùng bụi bậm, cài gì thể nhập vào Đạo, thể nhập Bản thể ? Linh hồn không được đề cập đến nhưng phải ngầm hiểu cái đó chính là Linh hồn tuy không có ngôn từ Linh hồn được nói ra.
Phật Giáo Phát Triển ( Đại thừa ) chủ trương có Phật Tánh thanh tịnh, thường hằng, bất sanh bất diệt bao trùm, thấm nhuần vũ trụ ( Biển Tánh Thanh Tịnh ) và trong mỗi chúng sinh cũng có Phật Tánh không sinh không diệt đó. Phật Tánh không sanh không diệt nơi mỗi chúng sanh là Tánh Biết sang suốt thanh tịnh, vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt nhưng đã bị vô minh, cái biết phân biệt thiện ác làm cho ô nhiểm. Khi Phật Tánh bị ô nhiểm bởi Nghiệp thiện ác như vậy thì Phật Tánh đó bị giam hảm trong thân xác và phải chịu luân hồi. Và như vậy tu hành là để thanh lọc Phật Tánh khỏi ô nhiểm của Nghiệp thiện ác và khi Phật Tánh được thanh lọc khỏi ô nhiểm thì sẽ giải thoát không còn luân hồi. Lúc đó Phật Tánh sẽ thoát ra khỏi thân xác và hoà nhập vào Biển Tánh Thanh Tịnh gọi đó là Nhập Niết bàn. Tuy ngôn từ diễn tả có khác nhau nhưng nội dụng của quan niệm này thì y chang quan niệm Tiểu Ngã và Đại Ngã của Bà La môn giáo.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm của Phật giáo phát triển chủ trương có Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Biết không sinh không diệt nơi mỗi chúng sanh, thực chất cũng y hệt như chủ trương Linh hồn của Kỳ na giáo. Thiền tông Trung hoa chủ trương Bản Lai Diện Mục, Ô Chủ, Con người trước khi cha mẹ sanh … tuy không có từ Linh hồn nhưng thực chất là quan niệm Linh hồn của tôn giáo Duy tâm.
Tánh Không trong văn hệ Bát nhã của Phật Giáo phát triển tuy diễn giải bằng những ngôn từ cao siêu, rất khó hiểu, ẩn chứa một khái niệm hết sức trừu tượng, mơ hồ nhưng nếu khảo sát kỹ LỐI MÒN TƯ DUY của tư tưởng Duy Tâm thì sẽ hiểu được Tánh Không được đề cập đó là THẾ GIỚI BẢN THỂ. Theo đó Thế giới gồm hai phương diện : THẾ GIỚI BẢN THẾ TUYỆT ĐỐI không hình không tướng, là thế giới chân thật, còn gọi là CHÂN KHÔNG mà bản chất không phải là vật chất nên trong Chân Không không có Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, không có Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý, không có Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp… Phương diện thứ hai của thế giới là : THẾ GIỚI HIỆN TƯỢNG TƯƠNG ĐỐI mà Phàm phu đang sống, là thế giới vật chất có hình có tướng, có sinh có diệt, có Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, có Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý, có Sắc Thanh Hương Vị Xúc Pháp … Từ phương diện BẢN THỂ TUYỆT ĐỐI ( còn gọi là CHÂN ĐẾ ) mà lưu xuất ra thế giới HIỆN TƯỢNG TƯƠNG ĐỐI ( còn gọi là TỤC ĐẾ ) và thế giới HIỆN TƯỢNG TƯƠNG ĐỐI là biểu hiện của BẢN THỂ TUYỆT ĐỐI. Chính vì chủ trương như vậy mà Tâm Kinh Bát Nhã khẳng định : Sắc chẳng khác Chân Không, Chân Không chẳng khác Sắc, Sắc chính là Chân Không, Chân Không chính là Sắc. Thọ Tưởng Hành Thức cũng đều như vậy. THẾ GIỚI BẢN THỂ VÔ TƯỚNG ( Chân Không ) mới là chân thật còn THẾ GIỚI HIỆN TƯỢNG HỮU TƯỚNG SINH DIỆT ( Sắc Thọ Tưởng Hành Thức ) nên nó không thật, giả có, hư vọng. Và vì vậy mà công cuộc tu hành là để thể nhập CHÂN KHÔNG, thể nhập THẾ GIỚ BẢN THỂ VÔ TƯỚNG CHÂN THẬT hay còn gọi là thể nhập NIẾT BÀN. Đây thực chất là tư tưởng của Thánh Kinh Cựu ước được diễn dịch một cách mới mẻ, với các ngôn từ khác lạ mà thôi, trong đó Thế Giới Bản Thể tuyệt đối chính là Thượng Đế Toàn Năng và Thế giới hiện tượng tương đối là do Thượng đế toàn năng sáng tạo ra. Quan niệm này cũng tương đương với Đại Ngã và Tiểu Ngã của Bà La môn giáo.
Thời Phật tại thế có sự kiện được ghi lại trong Đại Kinh Đoạn Tận Ái thuộc Trung Bộ Kinh là vị Tỷ kheo Sati đã có tà kiến xem Thức ( Tâm thức ) không đổi khác, thường hằng mà chỉ rong ruổi ( di chuyển ) từ chỗ này sang chỗ khác ( từ thân xác này sang thân xác khác ), chính Tâm thức ấy tạo tác và cũng chính Tâm thức ấy thọ lãnh quả mà nó đã tạo tác. Đức Phật đã quở trách quan điểm tà kiến đó. Thực chất đây cũng là quan niệm Linh hồn bất sanh bất diệt nhưng dùng từ Tâm thức thay thế từ Linh hồn. Trong Mật tông cũng quan niệm chết đi thì sẽ tái sanh vào một thân xác mới như thay một cái áo củ đã bẩn thủi, rách nát bằng một cái áo mới thơm tho sạch sẽ thực chất cũng là quan niệm một linh hồn bất sanh bất diệt cư ngụ trong thể xác này và chính linh hồn đó đi đầu thai. Một số nhà khoa học nghiên cứu về Hiện Tượng Cận Tử đã quan sát hiện tượng cận tử nhưng đã sử dụng hiểu biết ít ỏi và sai lạc của mình mà suy luận rằng sau khi chết vẫn tồn tại một Tâm thức và một thế giới tâm linh. Tâm thức ấy tồn tại cả khi các tế bào não đã chết nghĩa là Tâm thức không phải là sản phẩm của não bộ, Tâm thức ấy tồn tại độc lập với não bộ. Quan niệm về Tâm thức tồn tại độc lập với não bộ và sau khi thoát xác nó tồn tại trong một thế giới tâm linh thực chất là quan niệm về một linh hồn không sanh không diệt. Chỉ một số người rất ít ỏi theo quan niệm Duy vật, tin không có Linh hồn, chết là hết, còn đa phần nhân loại tin vào thuyết Linh hồn kể cả đa phần tín đồ Phật giáo. Vì thế mới có các từ như vong linh, hương linh, giác linh … mới có hành vi đốt vàng mã gửi cho linh hồn nơi cõi âm, mới có cúng giỗ cho linh hồn tận hưởng, mới có cầu siêu cho các linh hồn, mới có cúng thất 7 tuần cho trung ấm, mới có hồn ma, bóng quỷ, mới có vong nhập, bắt vong,mới có những mẩu chuyện, tin tức người thân, cha mẹ chết rồi đầu thai làm chó, làm lợn, làm gà, mới có tin lan truyền mẹ chết đầu thai làm gà và con đã giết mẹ là con gà đó cúng giỗ cho người mẹ đã chết …
Các tôn giáo Duy tâm đều quan niệm có một THỰC THỂ LINH HỒN tuy các ngôn từ và hình thức mô tả có sự sai biệt và THỰC THỂ LINH HỒN đó là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển thân tâm chúng sanh. THỰC THỂ LINH HỒN đó chính là BẢN NGÃ hay TỰ NGÃ, tự có, không được sinh ra, không bị diệt đi, bất sanh bất diệt. Và trong những tôn giáo theo thuyết Luân Hồi thì Linh Hồn đó có thể di chuyển từ thân thể này sang thân thể khác trong các kiếp sống, có thể cư ngụ trong con muỗi, con giun, con cá, côn trùng, trong con chó, mèo lợn gà, người thú … Vì vậy mỗi chúng sinh có hai phần : phần thể xác vật chất là sinh diệt vô thường, còn phần Linh hồn là bất sanh bất diệt. Không thể GIẾT được Linh hồn bằng dao bằng gậy, không có thứ gì có thể giết chết Linh hồn, kể cả bom nguyên tử có thể huỷ diệt sự sống trên trái đất này cũng không thể giết chết được Linh hồn. Và các tôn giáo có nói ra một cách rõ ràng, hay nói ra một cách mơ hồ trừu tượng thì tôn chỉ của các tôn giáo duy tâm đều là GIẢI THOÁT THỰC THỂ LINH HỒN ra khỏi thể xác vật chất để không còn bị giam hảm, trói buộc trong thân thể vật chất, để LINH HỒN được tự do tự tại hoặc HOÀ NHẬP LINH HỒN vào Thiên Chúa, vào Đại Ngã, vào Thế Giới Bản Thể, vào Chân Tâm, vào Phật Tánh … Đối với các tôn giáo duy tâm kể cả một số tông phái Phật Giáo Phát Triển GIẢI THOÁT LÀ SỰ HIỆN HỮU ( của Linh Hồn ), Còn GIẢI THOÁT của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là PHI HIỆN HỮU CẢ DANH VÀ SẮC.
2 – Đức Phật phủ nhận Bản Ngã – Linh Hồn :
Trong 45 năm thuyết pháp Đức Phật đã dùng rất nhiều phương tiện khác nhau để phân tích, hiển thị, chỉ dẩn, giảng dạy rành mạch rằng không hề có, không hề tồn tại một Bản Ngã – Linh Hồn không sanh không diệt, là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển thân tâm ( Sắc và Danh ), rằng tất cả pháp dù là Danh hay Sắc đều VÔ NGÃ.
Trong bản kinh Vô Ngã Tướng tiếp sau bản kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật đã sử dụng một lập luận tuy rất đơn giản nhưng chắc nịch căn cứ vào sự thật đang xẩy ra chứ không phải xuất phát từ “tư duy lý luận suông”, Ngài chỉ ra rằng không hề tồn tại MỘT CÁI TA LÀM CHỦ hay BẢN NGÃ là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Nếu có cái TA LÀM CHỦ, có cái BẢN NGÃ đó, thì sẽ làm chủ, điều khiển được, sẽ làm cho Sắc Thọ Tưởng Hành Thức này sẽ được như ý muốn CỦA TA, sẽ làm chủ, sẽ điều khiển được Sắc uẩn này KHÔNG BỊ GIÀ, KHÔNG BỊ BỆNH, KHÔNG BỊ CHẾT, Thọ Tưởng Hành Thức cũng như vậy. Nhưng sự thực Sắc uẩn ( Thân thể ) vẫn bị già, bị bệnh, bị chết, bị khổ chi phối chứng tỏ không có CÁI TA LÀM CHỦ, không có BẢN NGÃ – LINH HỒN làm chủ Thân Tâm, điều khiển được Sắc Thọ Tưởng Hành Thức. Phải nghiên cứu kỹ lưỡng các bộ kinh Nykaya mà đặc biệt là Trung Bô Kinh và Tương Ưng Bô Kinh để thấy được Đức Phật đã dùng nhiều phương tiện chứng minh vấn đề này một cách chặt chẻ, rốt ráo.
Tất cả các sự vật và hiện tượng gọi là tất cả pháp được chia làm hai phạm trù : Tinh thần và Vật chất mà thuật ngữ Phật học gọi là Hai nhóm Danh và Sắc, trong đó Danh có thể được chia nhỏ thành 4 nhóm nhỏ là Thọ Tưởng Hành Thức. Như vậy, tất cả pháp được chia thành 5 nhóm Sắc Thọ Tưởng Hành Thức gọi theo tiếng Tàu là NĂM UẨN.
– Cho dù Danh hay Sắc, các pháp đều là Pháp Duyên Khởi, đều phát sinh theo quy luật Duyên Khởi ( Nhân Quả ) theo định thức : Hai nhân bình đẳng tiếp xúc ( tương tác ) rồi cùng diệt mới phát sinh quả và rồi quả ấy lại tiếp tục đóng vai trò là nhân tương tác với nhân khác rồi cùng diệt và phát sinh quả khác ( Nhân diệt Quả sanh ). Vì vậy, các pháp là Danh hay Sắc đều vô thường sinh diệt, quan hệ giữa các pháp là quan hệ bình đẳng, không có chính phụ, không có quan hệ chủ nhân, chủ sở hữu, vì vậy các pháp đó là VÔ CHỦ, VÔ SỞ HỮU. Vì các pháp phát sinh theo Duyên khởi, VÔ THƯỜNG, VÔ CHỦ, VÔ SỞ HỮU nên khẳng định chắc chắn rằng, không hề tồn tại một BẢN NGÃ LINH HỒN không sinh không diệt nào là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển Danh và Sắc. Trong Đại Kinh Mãn Nguyệt thuộc Trung Bô Kinh, Đức Phật đã giảng Thọ do duyên Xúc, Tưởng do duyên Xúc, Hành do duyên Xúc, Thức phát sinh theo tiến trình Xúc – Thọ – Tưởng – Tư, tức cũng do duyên Xúc. Duyên Xúc được hiểu là hai nhân Căn Trần tiếp xúc nhau mà phát sinh Thọ Tưởng Hành Thức. Và Sắc được định nghĩa là bốn đại và những gì do bốn đại hợp thành và quan sát trên sự thật thì một sắc pháp phát sinh phải do hai sắc pháp tiếp xúc nhau cùng diệt mới phát sinh sắc pháp đó ( ví như hai sắc pháp là Hydro và Oxy phải tương tác và cùng diệt đi mới phát sinh Nước ) và như vậy Sắc Thọ Tưởng Hành Thức do duyên Xúc mà sinh, cũng do duyên Xúc mà diệt, nên không có cái gì thường hằng, bất sinh bất diệt. Trong Tương Ưng Bộ Kinh có đến hàng trăm chỗ thường nhắc đi nhắc lại, nhắc nhở phải quán sát sự sinh diệt của Năm Uẩn : Đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Đây là thọ tập khởi, đây là thọ đoạn diệt. Đây là hành tập khởi, đây là hành đoạn diệt. Đây là thức tập khởi, đây là thức đoạn diệt. Lưu ý rằng không phải là học thuộc lòng những câu đó mà phải theo đó quan sát nơi sự thật đang xẩy ra để thấy rõ sự sinh diệt của Sắc Thọ Tưởng Hành Thức như thấy rõ quả xoài trong lòng bàn tay, để tự mình xác quyết không có bất kỳ một cái gì thường hằng, thường trú, bất sanh bất diệt theo thể cách Linh hồn, để thấy rõ Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là một LỘ TRÌNH SINH DIỆT theo thứ tự : Sắc diệt thì Thọ – Tưởng sanh, tiếp đến Thọ – Tưởng diệt thì Hành sanh, tiếp đến Hành diệt thì Thức sanh, tiếp đến Thức diệt thì các Hành lại sanh, tiếp đến Hành diệt thì một lộ trình Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức khác lại phát sinh. Trong các lộ trình sinh diệt đó không phải Năm Uẩn là 5 yếu tố ĐỒNG THỜI TỒN TẠI LIÊN KẾT VỚI NHAU theo kiểu CẤU TRÚC NGUYÊN MỘT KHỐI giống như 5 yếu tố rui mè kèo cột ngói đồng thời tồn tại để cấu trúc nên một ngôi nhà như cách hiểu của đa phần người học Phật, mà Năm Uẩn là một lộ trình sinh diệt, tại mỗi một thời điểm chỉ hiện hữu một pháp sinh lên rồi diệt đi, chỉ trừ Thọ – Tưởng là hai pháp duy nhất đồng sanh đồng diệt. Thấy được như vậy thì hiểu được Chúng Sanh là ngôn từ ám chỉ những lộ trình sinh diệt theo thứ tự Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức – Hành nối tiếp, tương tục nhau và do thấy biết như vậy mà chấm dứt vô minh, hiểu lầm Chúng Sanh như là NGUYÊN MỘT KHỐI.
– Cũng cần phải quán sát để hiểu rõ rằng : trong Năm Uẩn Sắc Thọ Tưởng Hành Thức thì nhóm Tưởng và nhóm Thức là các TÂM BIẾT mà thế gian lầm nhận là Linh Hồn.
Tưởng uẩn là tâm biết trực tiếp giác quan gọi tắt là TÂM BIẾT TRỰC GIÁC có phận sự Ghi Nhận hay Nhận Biết đối tượng mà Tâm Lý học ngày nay gọi là Nhận thức cảm tính đối tượng, có tính chất ” Vô Niệm, Vô Ngôn, Vô Phân Biệt” bao gồm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Tưởng thức. Tâm biết trực tiếp Tưởng này loài người, động vật đều có như nhau, sinh ra là có, không do học hỏi, trao truyền, tích luỹ nhưng nó do duyên Căn Trần tiếp xúc mà phát sinh, nó vô thường sinh diệt, không phải bất sanh bất diệt, nhưng các tôn giáo Duy tâm không hiểu biết đúng như thật, lầm nhận nó không sinh không diệt, gắn cho nó là Linh hồn Chúa được thổi vào con người, là Tiểu Ngã, là Tánh Thấy Tánh Nghe không sinh không diệt, là Phật Tánh thánh thiện, là Chân Tâm…
Thức uẩn là tâm biết Ý thức, là tâm biết gián tiếp khởi lên theo lộ trình Xúc – Thọ – Tưởng – Tư ( theo Đại Kinh Mãn Nguyệt )khác với Tưởng uẩn do Xúc ( Căn Trần ) mà khởi lên. Vì vậy, Thức uẩn có “tri thức khái niệm, có ngôn từ, có phân biệt” do học hỏi, trao truyền tích luỹ mà có nên các loài, các cá nhân đều khác nhau, Thánh Phàm khác nhau. Phàm là Ý thức Tà Tri Kiến, Thánh là Ý thức Chánh Tri Kiến. Tâm biết Ý thức này Tâm Lý Học ngày nay gọi là Nhận thức lý tính đối tượng, nó cũng sinh diệt vô thường.
3 – Phàm phu Chấp Thủ Bản Ngã :
Phàm phu cho dù theo quan điểm Duy tâm quan niệm có một Bản Ngã – Linh Hồn hay Duy vật phủ nhận linh hồn, phủ nhận thế giới tâm linh, phủ nhân luân hồi, chết là hết nhưng đều đang sống với Bản Ngã, đang sống với một CÁI TA là chủ nhân, chủ sở hữu, điều khiển thân tâm, đang vun bồi, tôn xưng, phấn đấu nỗ lực để xác định, tăng trưởng quyền làm chủ, quyền sở hữu của CÁI TA- BẢN NGÃ đó. Trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo của Phàm phu, tâm biết Ý thức tà kiến có tư tưởng về một CÁI TA – BẢN NGÃ với 3 nội dung là : TA biết, của TA, TA hơn, kém, bằng mà trong kinh điển thường đề cập đến với ngôn ngữ tiếng Hán là : NGÃ KIẾN, NGÃ SỞ KIẾN, NGÃ MẠN TUỲ MIÊN. Tất cả nhân loại, già trẻ gái trai, giàu nghèo, ngu trí, dân tộc, tôn giáo nào cũng đang sống với tâm biết Ý thức tà kiến trên lộ trình tâm Bát Tà Đạo, tức đang sống nhằm tô bồi, vinh danh, bảo vệ, nuôi dưỡng CÁI TA – BẢN NGÃ này, chỉ ngoại trừ các bậc Thánh trong Phật giáo. Nhưng BẢN NGÃ vốn không có thật, không hề tồn tại, nên phải hiểu rằng không phải là Phàm phu đang sống với BẢN NGÃ mà Phàm phu đang sống với TƯ TƯỞNG CHẤP NGÃ. Đó là tư tưởng chấp thủ Sắc Thọ Tưởng Hành Thức này là của ta, là ta, là bản ngã của ta. Tư tưởng chấp thủ đó còn gọi là Năm Thủ Uẩn. Chính tư tưởng chấp thủ sai lạc này, chính NĂM THỦ UẨN này mâu thuẩn, đối lập, xung đột với sự thật thực tại vô ngã nên mới phát sinh Khổ, vì vậy, trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật đã khẳng định : TÓM LẠI NĂM THỦ UẨN LÀ KHỔ. Ví như một nữ sinh đến trường với một bộ quần áo đẹp, đắt tiền, lạ mắt, rực rỡ mà tất cả học sinh ở trường đều ca ngợi thán phục thì nữ sinh ấy rất tự hào và Ý thức sẽ khởi lên TA HƠN, Ta đẹp nhất, Ta rực rỡ nhất … Đó là CHẤP NGÃ, chấp vào bộ quần áo đẹp này là của Ta, là Ta ( Sắc thủ uẩn ) , còn thực chất là BỘ QUẦN ÁO hơn chứ không có một BẢN NGÃ nào hơn cả. Một nghiên cứu sinh khi đậu bằng Tiến sĩ thì sống với hiểu biết TA HƠN mấy anh thạc sĩ nhưng thực chất cái TA HƠN đó chính là chấp thủ lượng kiến thức của Ta, ( Thức thủ uẩn ) của tiến sĩ hơn lượng kiến thức thạc sĩ chứ không có một cái BẢN NGÃ TIẾN SĨ lớn hơn BẢN NGÃ THẠC SĨ nào cả.
4 – Không có Linh Hồn – Bản Ngã, vậy cái gì luân hồi tái sinh ?
Câu hỏi này là một vấn nạn cho người học Phật kể cả khi Phật còn tại thế cho đến ngày nay. Vì câu hỏi này chưa được trả lời minh bạch, rõ ràng nên đa phần người học Phật, đa phần các tông phái Phật giáo vẫn gắn cho thực thể bị luân hồi tái sinh là Linh Hồn nhưng với các ngôn từ và diễn đạt khác nhau một cách mơ hồ, trừu tượng và do đó Giải Thoát hay Niết Bàn là HIỆN HỮU ở một cảnh giới, một trạng thái vi diệu, mầu nhiệm, bất khả tư nghì nào đó ra ngoài Có Không, không phải là Có cũng không phải là Không theo mô thức lý luận trườn uốn như lươn của Kỳ na giáo, được các tông phái Phật giáo phát triển thâu nạp từ triết lý của Kỳ na giáo. Đối với Đức Phật và các vị đã giác ngộ, Chánh Trí đã khởi lên : “Vị ấy biết, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, không còn trở lui trạng thái HIỆN HỮU này nữa”, chư vị biết rõ Giải thoát, Niết bàn là PHI HIỆN HỮU CẢ DANH VÀ SẮC nên câu hỏi Đức Phật sau khi nhập diệt còn hay không còn không được đặt ra và đương nhiên không có trả lời câu hỏi. Đối với những người đã thể nhập Trí Tuệ Về Sanh Diệt các pháp thì chúng sanh là những lộ trình sinh diệt của Danh và Sắc nối tiếp, tương tục nhau diễn tiến theo thời gian vô cùng vô tận. Danh Sắc này diệt là nhân duyên cho Danh Sắc khác phát sinh, trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi, và cứ thế nối tiếp nhau vô cùng vô tận. Khi con người chết Danh Sắc đó diệt, lại phát sinh một Danh Sắc là hoá sanh và Danh Sắc hoá sanh đó lại cũng sinh diệt nối tiếp nhau trong từng satna . Rồi khi Hoá Sanh chết, Danh Sắc hoá sanh diệt đi lại là nhân duyên cho Danh Sắc phát sinh nơi Thai sanh hoặc Trứng sanh và cứ thế mà diễn tiến theo cái vòng ( người – hoá sanh – thai hoặc trứng sanh ) vô cùng vô tận. Diễn tiến vô cùng vô tận này đặt tên là Luân hồi tái sanh và trong nó không có một chúng sinh nào CHẾT THẬT SỰ. Nguyên nhân của diễn tiến sinh diệt nối tiếp nhau của Danh Sắc là Vô minh và Hữu ái do chấp thủ Sắc Thọ Tưởng Hành Thức là của ta, là ta, là bản ngã của ta. Khi một người Giác Ngộ, Vô minh, Hữu ái ( Năm Thủ Uẩn ) diệt tận, thì khi vị đó nhập diệt gọi là Vô dư Niết bàn, Danh Sắc con người diệt tận nhưng không còn Nhân duyên để phát sinh một Danh Sắc mới, vì vậy, dòng diễn tiến Luân hồi tái sinh chấm dứt tại đây, KHÔNG CÒN HIỆN HỮU CẢ DANH VÀ SẮC ở bất kỳ đâu, dưới bất kỳ hình thức nào, hình dung như ngủ một giấc ngon lành, không mộng mỵ vĩnh viễn.
Người trí thì ít ỏi so với nhân loại ví như vàng bạc so với đất đá trên quả đất này nên cần có câu trả lời minh bạch là cái gì luân hồi tái sinh, mà nhờ đó một số người có duyên sẽ xoá bỏ được Thân kiến, xoá bỏ được chấp thủ Bản ngã linh hồn. Ngày này Tin học, một bô môn khoa học về THÔNG TIN đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Thành tựu của nó là chế tạo được máy vi tính do khoa học thực nghiệm đã khám phá và “bắt chước” được quá trình nhận thức, đặc biệt là quá trình tư duy phát sinh ý thức của con người. Hãy hình dung vài năm tới khi mà chiếc xe tự lái hoàn thiện sẽ ra đời và hoạt động như một chiếc taxi hiện thời có người lái. Chiếc xe tự lái gồm hai phần : Phần cứng là cấu trúc vật chất của xe và nó là Sắc pháp, Phần mền là lượng thông tin gồm các hệ điều hành, các phần mền được cài đặt trong bộ nhớ và đó là Danh pháp ( Tinh thần ). Như vậy chiếc xe gồm hai phần Danh và Sắc hay Tinh thần và Vật chất như một con người. Ví như đã cài đặt 3 giờ sáng, NÓ “thức dậy” và bắt đầu hoạt động do NÓ bắt đầu được nối kết, tương tác với mạng Iternet. NÓ nhận thông tin qua mạng và NÓ xử lý thông tin đưa đến biết có khách gọi xe tại địa điểm nọ kia. NÓ lại xử lý thông tin và tìm ra con đường ngắn nhất đi đến chỗ đó và NÓ bắt đầu lăn bánh ra đi để đến chỗ đón khách. Trên đường đi camera sẽ ghi nhận hình ảnh, âm thanh và NÓ lại xử lý để đi đúng đường, lựa chọn đúng chỗ rẽ, quành tránh các chướng ngại và các phương tiện khác trên đường. Đến nơi NÓ thấy khách và biết đúng là khách đó gọi xe, NÓ sẽ mở cửa và giọng nói của NÓ sẽ mời khách lên xe. NÓ sẽ xử lý thông tin để biết địa chỉ, con đường ngắn nhất và mở cửa, cất giọng nói mời khách xuống xe khi đã đến nơi. Và NÓ lại tiếp tục công việc cho đến 12 giờ đêm nếu cài đặt nghỉ ngơi thì NÓ lại chạy về ga ra tắt máy. Như vậy với Phần Cứng và Phần Mền tức với Danh và Sắc, chiếc xe tự lái vẫn “Thấy, Nghe, Biết” và “Làm Việc” như một con người bằng xương bằng thịt, một tài xế. Nếu phần mền cài đặt phân biệt đàn ông, đàn bà, phân biệt được đàn bà đẹp xấu và thanh toán tiền theo đẹp xấu thì NÓ cũng sẽ “Thiên Vị” đối với đàn bà đẹp xấu. NÓ cũng có thể nhận ra khách quen, khách lạ đến số lần mà khách đó đã đi xe, vì mọi thông tin mà camera thu thập đều được lưu lại. NÓ cũng có thể tự phân tích, so sánh và tìm ra con đường để thoát khỏi đoạn đường đang tắc nghẽn nhờ thu thập thông tin qua mạng. Nó có thể được cài đặt phần mền TỰ HỌC nên NÓ Sẽ tự tích luỹ các kiến thức, các hiểu biết về các đối tượng và do Tự Học mà NÓ ngày càng hiểu biết nhiều hơn, thông minh hơn. Và như vậy, lượng thông tin được lưu vào bộ nhớ sẽ tăng trưởng từng ngày nên dung lượng bộ nhớ phải đủ lớn mới lưu giữ hết thông tin. Chính vì vậy mà công nghệ tin học đang chế tạo thẻ nhớ bằng ADN vì chỉ có cấu trúc ADN mới có khả năng lưu giữ một dung lượng thông tin khổng lồ. Nếu chiếc xe đó hết tuổi thọ, hết thời hạn sử dụng thì có thể chuyển toàn bộ dữ liệu thông tin của NÓ sang bộ nhớ của một cái xe mới tinh chưa cài đặt phần mền. Và cái xe thứ hai lại tiếp tục học hỏi, tích luỹ thêm thông tin hiểu biết vào bộ nhớ và nó lại được truyền cho đời thứ 3, thứ 4, thứ 5 … Rõ ràng ở chiếc xe tự lái do tương tác giữa Phần Cứng, Phần Mền tức Danh và Sắc với Thế giới bên ngoài mà phát sinh ( tâm ) Thấy, Nghe, Hiểu Biết và Làm Việc ( lái xe, đón khách ) và hoàn toàn không có một LINH HỒN – BẢN NGÃ và NÓ cũng hoàn toàn không có Chấp Thủ Bản Ngã vì trong thông tin phần mền của nó không cài đặt, không có thông tin ” xe này là của Ta, là Ta, là Bản ngã của Ta”, không giống như con người lái xe sống với tư tưởng chấp thủ bản ngã, Ta lái xe, Ta biết đường, Ta đón khách … Sự TRAO TRUYỀN THÔNG TIN từ xe 1 đến 2, 3, 4 … là trao truyền Lượng Thông Tin đã được cài đặt, học hỏi, tích luỹ.
Tương tự như chiếc xe tự lái, con người cũng gồm Danh và Sắc tức là Phần Cứng là cấu trúc thân thể vật chất ( Sắc ) và Phần Mền là Lượng Thông Tin ( Danh ) bao gồm tri thức, kinh nghiệm đã được trao truyền, học hỏi, tích luỹ trong đó có thông tin Vô minh ( là những hiểu biết sai sự thật ) và Chấp Ngã ( cái này là của Ta, là Ta, là tự ngã của Ta ). Chính sự tương tác giữa Danh Sắc và Thế giới ngoại cảnh sẽ làm phát sinh tâm “THẤY, NGHE, CẢM NHẬN, BIẾT” và do vậy mà phát sinh Lời Nói, Hành Động. Lượng Thông Tin đã được học hỏi, tích luỹ, trao truyền này gọi là THÔNG TIN PHÁP TRẦN và CHÍNH LƯỢNG THÔNG TIN PHÁP TRẦN NÀY CÙNG VỚI THÔNG TIN DI TRUYỀN được lưu giữ trong cấu trúc ADN của tế bào thần kinh não bộ Luân hồi tái sinh, được trao truyền từ thân người chết sang một thân mới ( giống như những chiếc xe kia ) chứ không phải một Linh hồn hay một Tâm thức Luân hồi tái sinh.

Đại Đức Nguyên Tuệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *